Câu chuyện ám ảnh tôi mãi từ những năm 2009: vì độ táo bạo của những thanh niên trẻ tuổi bằng tôi khi ấy; vì cái chết tức tưởi không lối thoát của Kizuki; và cả cái chết trong tuyệt vọng của Naoko và vì sự lay lắt bám lấy sự sống của những người ở lại vì khái niệm tình yêu, tình dục. Cái gì đã kéo họ vào một vòng xoáy tưởng chừng như không lối thoát?
Sinh ra, lớn lên ở một làng quê nhỏ bé 35km xa khỏi trung tâm thành phố, trong một căn nhà nhỏ chỉ có tivi đen trắng 14 inches và cũng đi qua những năm tháng khó khăn thời kì đầu đổi mới; thời kì đầu gia đình tôi có một bước chuyển mang tính quyết định: ra Hà Nội sinh sống, và nếm trải cảm giác cay đắng khi ăn một mớ rau còn nhặt nhạnh đến cọng cuối cùng, mua một con gà mời khách của con gái mà còn đắn đo, nghề may vá trở nên bèo bạc đẩy Mẹ tôi phải bỏ nghề, và thối hư tật xấu xuất hiện mỗi ngày ở quán nước nhỏ xíu của Mẹ tôi mỗi sáng. Tôi và anh trai lớn lên với những nhọc nhằn toan tính từng đồng xu của ba mẹ, và sự bế tắc của bản thân trong căn nhà 24 m2. Dù vậy, cha mẹ tôi chưa một lần ngừng cố gắng.
Đó là dấu ấn không bao giờ quên, hun đúc thứ niềm tinh ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ và hành động của tôi đến thời điểm này. Dù vậy, khi thiếu tiền, khi bất lực với những sự thiếu thốn trong gia đình, khi đối mặt với sự tự tin của thời niên thiếu, khi bất lực đến với ước mơ du học; tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Vậy mà Kizuki lại nghĩ đến cái chết ở tuổi 17?!
Tôi không hiểu sao Kizuki lại tự tử, hoặc có một sự xáo trộn mang tính căn bản nào đó khuấy động những nếp sống thông thường: rằng mọi sự rồi sẽ không tốt lên, rằng những ngày phía trước của chúng ta sẽ toàn màu u ối, cô tịch cô liêu. Người ta vẫn bảo đứng trước danh giới giữa sự sống và cái chết mọi thứ đều trở nên rõ ràng; ở đây rất rõ ràng với Kizuki: chết chấm dứt tất cả. Có tình yêu thanh mai trúc mã, hơn cả một người yêu, vậy mà Kizuki vẫn rời bỏ cuộc sống (điều này hơn hẳn tôi, vậy mà?!). Điều đó có nghĩa là Naoko không phải là đối trọng với cuộc sống còn lại của Kizuki. Anh cần một thứ gì khác, không phải tình yêu.
Tôi nghĩ về xã hội Nhật Bản những năm 1960, sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản có những sự thay đổi cách tân trong bản thân nền kinh tế, dẫn đến xáo trộn xã hội. (Tôi cần thêm một miếng ghép nữa để lý giải thêm về thời điểm này). Theo đó, tư duy phương tây, cải cách kinh tế mạnh mẽ khiến cho những giá trị nền nếp văn hóa truyền thống bị rơi vào vòng xoáy hoặc cải cách, cách tân hoặc chết. Vì vậy, bản thân những đứa trẻ mới lớn cũng phải đứng trước những ngã rẽ mà mình chưa đủ thông tin, hiểu biết để đánh giá. Vậy người lớn, nhà trường ở đâu?
Ở thời điểm cấp 3, những năm đầu tuổi 20, tôi cũng đã rơi vào sự bế tắc tương tự, khi đi học, tham gia câu lạc bộ mà không hiểu ý nghĩa của việc học đại học? những môn học mà sau này đi làm tôi sẽ chẳng bao giờ sử dụng? tại sao không phải là đi làm ? Tôi đã muốn bảo lưu việc học nhưng không thể? Những câu hỏi “thiên hạ” mà lại khiến bản thân tôi thấy chênh vênh giữa đời. Lúc đó, tôi cũng không thể chia sẻ được với Ba/Mẹ hay Thày cô nào (!?..!?) Mà cái bảng điểm biến thiên thất thường là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Với Naoko, Kizuki là tình yêu đầu, và với cô anh là tất cả; họ đi xa và sâu hơn cho một mối quan hệ yêu đương thông thường. Đặc biệt những vụn vỡ tuổi dậy thì của cô luôn có anh; đó là một điều vô cùng quý giá ở đời. Lẽ ra nó đã vô cùng tốt đẹp với cô. Điều duy nhất khi anh còn sống, cô cần giải quyết đó là việc hai người không thể hòa hợp chuyện sex (dẫn đến cảm giác bất lực.. giai đoạn 1?!). Cái chết của Kizuki nghĩa là cô không là gì với anh.
Lẽ ra Naoko có quyền lựa chọn và cô phải hiểu mình có quyền năng ấy. Cô chưa từng nghĩ đến ai khác ngoài Kizuki. Cô ấy có quyền được lựa chọn, được mong muốn những điều tích cực ở một người đàn ông nào đó, có thể không phải Toru luôn. Nhưng sự bám chấp vào một người đàn ông đã đem đến cho cô những đau khổ không thể hàn gắn.
Naoko và Toru, đó không phải là quan hệ tình yêu. Nó là sự an ủi sự-cho-rằng khi này chúng ta cần có nhau, và thân hơn một người bạn thân. Kizuki lại tiếp tục là sợi dây gắn kết: nhưng đồng thời nó lại xoáy sâu vào nỗi đau và những điều không thể lý giải được của cả 2 người trẻ tuổi về cái chết của cậu.
Trên đời có rất nhiều loại tình yêu, và chẳng có nguyên mẫu nào đem ra làm tiêu chuẩn cho những người trẻ tuổi bám vào để định nghĩa, hướng tới. Vì vậy chúng ta cứ đắm chìm và đau khổ trong cái mà mình định nghĩa nó là tình yêu. Thứ tình yêu của Naoko-Kizuki không có kết quả; Naoko-Toru cũng không, và kể cả Toru – Midori cũng không khỏa lấp được trọn vẹn nỗi cô đơn trống trải trong lòng mỗi người. Không ai được hoàn toàn trọn vẹn thỏa mãn với cái họ nghĩ là tình yêu. Bởi chính họ là người tạo ra sự trống trải đó, chỉ có họ mới có thể khỏa lấp và hài lòng được.
Wantanabe, một người đàn ông không đẹp trai, xuất chúng như những hình mẫu truyện mà tôi từng đọc. Anh là một người bình thường. Thứ duy nhất tôi ấn tượng và nể là thái độ sống và sự quyết tâm muốn hướng về phía mặt trời; và sự bao dung.
Đến với Naoko, anh biết mình chưa thể và không thể thay thế được Kizuki, nhưng anh vẫn yêu thương Naoko hết sức có thể, dù chuyện gì và cô nói gì đi nữa. Đó không phải tình yêu. Đó là tình yêu thương, sự bao dung, sự tốt bụng muốn giúp đỡ cô ra khỏi mớ bòng bong cô đang gặp phải. Không xét đoán, không đòi hỏi, luôn ở đó.
Naoko chắc hẳn hơn cả sự biết ơn bởi Toru đã dang tay khi cô ấy cần nhất. Nhưng sự mất cân bằng trong một mối quan hệ khi một bên bền bỉ cho đi, khiến cả hai người luôn thấy gượng gạo trong một mối quan hệ. Kizuki vẫn ở đó. Cuối cùng, mọi nỗ lực cướp Naoko từ tay thần chết của Toru đều thất bại. Anh đã tự đày đọa mình bằng cả tháng sống không giống như một con người: ăn ngủ lang bạt và chỉ đủ tồn tại, hoặc để chết, nhưng anh không thể chết. Sống – chết; tình dục – tình yêu, công việc – tương lai – hiện tại lúc này chẳng mấy ý nghĩa. Nhưng anh sinh ra để sống. Ý chí muốn sống được decode vào tên anh. Buồn cũng sống, đau khổ cũng phải sống, sống như một thói quen vậy. Điều gì là quan trọng ở đời? chẳng có gì cả, chỉ là sống thôi.
Thêm một vấn đề nhỏ, nhưng nó cũng khiến tôi ấn tượng ngay từ lần đầu khi đọc truyện: đó là việc các nhân vật rất thẳng thắn và tác giả cũng rất thẳng thắn chia sẻ về chuyện sex một cách không thể thẳng thắn hơn, như một điều căn bản trong một mối quan hệ, sự gắn kết trong khi mọi biến động tinh thần lại là thứ mờ ảo khó đoán. Thời điểm đó, ở Việt Nam, trong mắt tôi mọi thứ đều khác.
Tạm kết:
Mọi vấn đề của ta gặp phải, nếu đứng từ góc độ của một người khác, thiệt sự nó chả có nghĩa lý gì. Vậy những điều chúng ta cho rằng quan trọng có thật sự quan trọng? kể cả những tiêu chuẩn mà xã hội này đặt ra: đánh răng mỗi tối, những quán ăn ngon phải check in, sống là thưởng thức ăn mốn Tây, Tàu, Pháp Nhật? cần giữ hình ảnh ? tình một đêm? sự thủy chung son sắt của vợ chồng? sự cam kết có cam kết được gì nếu tôi không có năng lực trên giường? Tôi băn khoăn về mọi nguyên tắc mà người ta đặt cho tôi và tự cảm thấy buồn cười chính mình.
Cuối cùng lý do khả dĩ nhất mà tôi có thể chấp nhận đó là việc vì rối loạn nội tiết tố mà con người ta bị bất lực và đi vào con đường bế tắc, tìm đến cái chết. Vậy thì xem ra việc duy nhất con người có thể làm để thoát khỏi những vấn đề mà họ không thể can thiệp từ bên trong đó là: cấy một gene Wantanabe và chọn một con đường mình muốn đi.
Sài Gòn, tháng 05/2019.
Hải Phong